Thước lỗ ban chuẩn theo phong thủy là cây thước được sử dụng đo đạc trong xây dựng Dương Trạch (nhà cửa) và Âm Trạch (mộ phần), trên thước lỗ ban có chia kích thước địa lý thông thường và các cung giúp phân định các khoảng tốt hay xấu. Hiện nay, có lẽ thước lỗ ban chuẩn theo phong thủy vẫn còn là một khái niệm khá xa lạ đối với nhiều người. Bài viết dưới đây sẽ giới thiệu cho bạn đọc một cách đơn giản, khái quát về một số loại thước lỗ ban chuẩn theo phong thủy.

1. Tìm hiểu về thước lỗ ban chuẩn theo phong thủy

Người phương Đông trọng tín ngưỡng, luôn quan niệm “có kiêng có lành” nên trong bất kỳ việc gì cũng cẩn trọng xem xét.

Từ việc dựng vợ gả chồng cũng phải xem tuổi, xem ngày đến việc xây nhà dựng cửa phải đúng hướng, hợp tuổi, đúng ngày giờ,… Điều này đã ăn sâu vào tiềm thức của người phương Đông mà người Việt là một trong số đó.

Theo tín ngưỡng này mà từ xa xưa cho đến nay, khi làm nhà bất kỳ người Việt nào cũng luôn muốn chọn cho mình các kích thước đẹp, hợp phong thủy để sử dụng cho cửa, bàn thờ, bếp và các vật dụng khác trong nhà sao cho rước nhiều tài vận, xua đuổi tà khí hóa giải vận rủi.

Để làm được điều đó, công cụ thường được sử dụng là thước lỗ ban.

Trên thực tế, trong ngành địa lý cổ phương Đông, ngoài thước đo phong thủy là lỗ ban (lỗ ban xích) còn có nhiều loại thước khác được áp dụng như thước Đinh Lan (Đinh Lan xích), thước Áp Bạch (Áp Bạch xích).

Tuy nhiên thước lỗ ban chuẩn được sáng tạo bởi ông tổ nghề mộc và nghề xây dựng nước Lỗ vẫn là loại thước phong thủy được sử dụng phổ biến và rộng rãi nhất.

2. Các loại thước lỗ ban chuẩn theo phong thủy

Hiện nay trên thị trường có rất nhiều thước lỗ ban phong thủy với các kích thước khác nhau nhưng nếu tính về mức độ phổ biến thì sẽ có thước lỗ ban 52cm theo lưu truyền ngàn đời nay và thước cuộn rút với kích thước lần lượt là 42,9cm ở phía trên và 38,8cm ở phía dưới.

Tất nhiên tùy thuộc vào từng loại thước cũng như món đồ vật dự định đo đạc như cửa, bàn thờ,… mà sẽ có cách tính, xác định các “thông số vàng” khác nhau.

Trong xây nhà và sửa chữa nhà cửa thường sử dụng phổ biến 3 loại thước lỗ ban: 52,2cm (thông thủy), 42,9cm (dương trạch), 38,8cm (âm phần).

Các nhà phong thủy ngày xưa thường sử dụng thước lỗ ban bằng gỗ, nhưng ngày nay để tiện lợi cho việc tra thước lỗ ban thì thước này được tích hợp sẵn vào các loại thước rút bao gồm thước lỗ ban rút dây 5m, 7m, 10m để tiện cho người sử dụng.

Khi dùng thước chỉ cần chọn kích thước đúng vào những cung (ô) màu đỏ (cả cung to và cung nhỏ trên thước) là có kích thước đẹp, còn chọn cung màu đỏ nào là tùy vào mong ước của từng gia đình.

– Thước lỗ ban 52,2cm:

Thước 52,2cm dùng để đo khoảng không thông thủy (cửa đi, cửa sổ, chiều cao tầng, giếng trời…). Chiều dài chính xác của thước lỗ ban này là 520mm. Được chia ra là 8 cung lớn: Theo thứ tự từ cung Quý Nhân, Hiểm Họa, Thiên Tai, Thiên Tài, Nhân Lộc, Cô Độc, Thiên Tặc, Tể Tướng.

Mỗi cung lớn dài 65mm, mỗi cung lớn lại được chia ra làm 5 cung nhỏ, mỗi cung nhỏ dài 13mm. Khi dùng thước thấy thước nào có 8 cung lớn với tên như trên (Quý Nhân, Hiểm Họa,..) thì đó là thước lỗ ban 52cm.

– Thước lỗ ban 42,9cm:

Thước 42,9cm dùng trong khối xây dựng (bếp, bệ, bậc…). Chiều dài chính xác của thước lỗ ban này là 429mm, được chia thành 8 cung lớn: Theo thứ tự từ cung Tài, Bệnh, Ly, Nghĩa, Quan, Nạn, Hại, Mạng. Mỗi cung lớn dài 53,625mm, mỗi cung lớn lại được chia ra làm 4 cung nhỏ, mỗi cung nhỏ dài 13,4mm.

Khi dùng thước thấy thước nào có 8 cung lớn với tên như trên (Tài, Bệnh, Ly, Nghĩa…) thì đó là thước lỗ ban 42,9cm.

– Thước lỗ ban 38,8cm:

Thước 38,8cm hay 39cm dùng trong đồ nội thất, âm phần (bàn thờ, tủ, mộ phần…) nên nếu bạn đang tìm kiếm thước lỗ ban bàn thờ thì hãy lựa chọn loại thước 38,3cm này.

Chiều dài chính xác của thước này là 390mm, được chia làm 10 cung lớn: theo thứ tự Đinh, Hại, Vượng, Khổ, Nghĩa, Quan, Tử, Hưng, Thất, Tài. Mỗi cung lớn dài 39mm, mỗi cung lớn lại được chia ra làm 4 cung nhỏ, mỗi cung nhỏ dài 9,75mm.

Khi dùng thước, thấy thước nào có 10 cung lớn với tên như trên (Đinh, Hại, Vượng, Khổ…) thì đó là thước lỗ ban 38,8cm.

3. Nguyên tắc đo

– Đo cửa: đo kích thước thông thủy (thông khí) khung cửa, không đo cánh cửa.

– Đo chiều cao nhà: đo từ mặt cốt sàn dưới lên mặt cốt sàn trên (bao gồm cả lớp lát sàn).

– Đo vật dụng (bàn ghế, giường tủ…): đo kích thước phủ bì dài, rộng, cao hoặc đường kính.

Top